I read this article on the internet and very excited. This encourage me so much in the coming time.
Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch
13/06/2011 08:59 am
Cuối tuần trước, tôi trở lại ĐH Princeton, nơi tôi từng theo học hơn 20 năm về trước, để thuyết giảng.
Khi đi ngang qua sân trường, tôi chợt nhớ về một nỗi băn khoăn đã ám ảnh tôi một vài tháng trước khi kết thúc quãng đời sinh viên: ra trường tôi sẽ làm gì, giờ thì sao nhỉ?
Tôi đã không nhận được câu trả lời nào. Tôi không có một công việc. Tôi không có một kế hoạch.
Nhưng, hóa ra không có kế hoạch nào lại có vẻ là kế hoạch tốt hơn cả.
Mark Zuckerberg và các bạn cùng phòng chính là những sinh viên nghiên cứu ngành khoa học máy tính không sở hữu một kế hoạch cụ thể nào. Họ phát triển mạng xã hội Facebook đơn giản vì nó rất vui nhộn, thử nghiệm tài năng của bản thân, và tạo ra một cách liên lạc mới lạ cho các sinh viên ĐH Harvard và các cựu học sinh.
Zuckerberg không bao giờ có thể ngờ rằng số lượng thành viên tham gia mạng xã hội này có thể lên đến hơn 400 triệu. Nhưng Zuckerberg cũng chưa có ý tưởng kiếm tiền từ trang mạng này.
Tuy nhiên cậu vẫn duy trì trang mạng đến năm 2007, khi mà Facebook cho phép các nhà lập trình khác thiết kế các ứng dụng, và các nhà lập trình trò chơi mua các quảng cáo trên Facebook để thu hút người chơi. Khó có thể nói rằng chiến lược của Zuckerberg bắt đầu từ năm 2004, khi cậu phát triển trang mạng này.
Và khi Larry Page và Sergey Brin, những nhà sáng lập Google, tạo ra những đoạn mã đầu tiên vào năm 1996, họ hoàn toàn không có ý kiếm tiền từ ý tưởng này. Nhưng điều đó không thể ngăn cản những con người này.
Cho đến tận năm 2002, 2003, Google mới bắt đầu kiếm được những đồng lợi nhuận đầu tiên từ dịch vụ quảng cáo từ khóa AdWords và chương trình dịch vụ quảng cáo AdSense.
Tôi đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt, và những rủi ro có thể gặp phải khi quá tuân theo kế hoạch cụ thể nào đó. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn không có kế hoạch nào cả?
Rất nhiều người trong chúng ta đã từng gặp tình cảnh này không chỉ khi tốt nghiệp mà trong cuộc sống. Thậm chí cả những người lớn lên trong thời đại làm việc 30 năm liên tục tại một nhà máy cũng đang có cơ hội bắt đầu một sự nghiệp khác. Và lớp trẻ hiện đang thay đổi công việc vài năm một lần, những thay đổi liên quan đến sự nghiệp tương lai. Kế hoạch của hôm qua không dành cho hôm nay.
Số lựa chọn hạn chế khiến việc lập kế hoạch trở nên khó khăn hơn. Trong một nghiên cứu về vấn đề này, giáo sư chuyên ngành quản lý Sheena Iyengar tại Trường kinh doanh Columbia đã thử nghiệm với hai nhóm: một nhóm đưa ra 6 mẫu mứt, trong khi nhóm kia đưa ra 24 mẫu.
Nhóm 24 mẫu rõ ràng là được ưa thích hơn khi khách hàng nếm mẫu, nhưng nhóm 6 mẫu lại có số lượng bán ra ngoài thị trường lớn hơn. Khả năng chúng ta chọn mua sẽ tăng lên 10 lần nếu các cơ hội lựa chọn bị giới hạn!
Nếu có quá nhiều lựa chọn, khách hàng sẽ gặp một tình trạng giống như bị tê liệt. Có quá nhiều lựa chọn để quyết định, và thế là chúng ta không chọn gì cả.
Sự việc này lặp lại nhiều lần, và không lựa chọn gì lại trở thành một lựa chọn. Đột nhiên chúng ta cảm thấy bao công sức lựa chọn trở nên uổng phí. Chúng ta rời cửa hàng mà không có hộp mứt nào trong tay.
Chúng ta cần một định hướng khác để đi đúng đường, dù chúng ta không có một kế hoạch.
Vậy điều gì đã giúp Mark Zuckerberg, Larry Page, và Sergey Brin thành công? Một chút cơ hội. Một chút kiên trì. Và một chút may mắn. Nhưng bên cạnh cơ hội, kiên trì và may mắn, bạn còn cần nhiều yếu tố khác để thành công. Tôi gọi chúng là bốn thành tố. Thành công sẽ đến với bạn khi bạn biết:
1. Cân bằng các ưu điểm
2. Sử dụng nhược điểm
3. Theo đuổi đam mê
4. Khẳng định sự khác biệt
Zuckerberg, Page, và Brin yêu công nghệ và giỏi trong các lĩnh vực này. Không ai trong số họ hoạt động một mình họ hợp tác với nhiều người khác để khắc phục nhược điểm. Và, kể cả phương diện phong cách lẫn sản phẩm, họ đều đưa ra các phương pháp độc đáo làm khác biệt bản thân và công ty.
Còn tôi, tại trường Princeton, tôi ưa thích công việc lãnh đạo các hoạt động xây dựng đội ngũ. Điểm mạnh của tôi là có thể tạo ra các nhóm năng động. Điểm yếu của tôi, nhận thức thái quá tình trạng rủi ro, ở đây lại là một tài sản.
Tôi thích cùng làm việc với nhiều người. Và lớn lên tại thành phố New York, tôi có cái nhìn độc đáo của người thành thị khi huấn luyện người khác trong các hoạt động xây dựng đội ngũ.
Nhưng tôi vẫn không có ý tưởng nào để biến những thứ trên thành một dạng kinh doanh kiếm lời. Tôi không hiểu những thứ đó mang lại lợi ích gì cho một tương lai lâu dài. Tôi không thể tạo dựng một gia đình khi cứ làm việc trong một khu rừng gỗ. Tôi hoàn toàn không có gì cả. Tôi không nên quan tâm đến những thứ này nữa. Tôi gần như bắt đầu theo học một trường luật mới để tìm kiếm cơ hội khác.
Nhưng tôi đã không làm như thế. Thật vậy, tôi tiếp tục với những gì đang làm và thử nghiệm nhiều cách nhằm tăng cường khả năng vận dụng bốn yếu tố thành công và giảm các yếu tố bất lợi.
Một điều mà tôi từng thử nghiệm là gắn liền các hoạt động với các nhóm doanh nghiệp. Tôi có thể thực hiện điều này và có một cuộc sống ổn định hơn. Điều này còn giúp tôi tạo ra các khác biệt tôi biết nhiều về thế giới doanh nghiệp hơn bất cứ ai trong lĩnh vực hoạt động xây dựng đội ngũ.
Tôi mở một công ty. Quyết định này dẫn tới các quyết định khác. Mười tám năm sau, tôi vẫn luôn thay đổi doanh nghiệp của mình, luôn biến đổi để tận dụng tốt hơn các điểm mạnh điểm yếu, đam mê và sự độc đáo. Trong vòng ba năm nữa thì sao? Thậm chí tôi còn không chắc chắn.
Bạn không cần phải biết toàn bộ con đường. Đa số những người và doanh nghiệp thành công đều đi vòng để thành công nhờ sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ họ chưa từng ngờ tới.
Đây là cái gọi là sự may mắn: bạn đang làm một công việc nào đó dù cho đó là công việc, sở thích, hay đơn thuần là những trò tiêu khiển bạn có cơ hội thể hiện thế mạnh, khám phá điểm yếu, khiến bạn vui vẻ và sử dụng những đặc điểm mà chỉ bạn mới có.
Theo: Doanh Nhân